Đế chế La Mã đã có một ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của nghề trồng nho và làm rượu nho. Rượu nho là một phần không thể tách rời trong chế độ ăn uống của người La Mã và nghề làm rượu vang đã trở thành một ngành kinh doanh có yêu cầu nghiêm ngặt. Trong tác phẩm De architectura (I.4.2) của Vitruvius có lưu ý là các phòng chứa rượu vang được xây phải quay về hướng bắc, “từ đó hướng này được giữ nguyên và không bị dịch chuyển.”
Khi đế quốc La Mã mở rộng, nghề sản xuất rượu vang ở các tỉnh mở rộng của đế quốc đã phát triển và nó bắt đầu cạnh tranh với rượu vang La Mã. Hầu như tất cả các vùng làm rượu vang chính của Tây Âu ngày nay đều được hình thành trong thời kỳ Đế quốc La Mã.
Công nghệ làm rượu vang đã được cải thiện đáng kể trong thời kỳ của Đế chế La Mã. Nhiều giống nho và kỹ thuật canh tác đã được phát triển, các thùng chứa rượu do người Gaul phát minh, sau đó là các chai thủy tinh do người Syria phát minh, bắt đầu cạnh tranh với những chiếc vò hai quai làm bằng đất nung trong việc chứa và vận chuyển rượu vang. Sau khi người Hy Lạp phát minh ra ốc vít, máy ép rượu vang đã trở nên phổ biến trong các căn nhà sang trọng của người La Mã. Người La Mã cũng tạo ra những cái tên tiền thân cho các hệ thống tên gọi cho các vùng làm rượu nho sau này.
Rượu vang có thể pha trộn với các loại thảo mộc và khoáng chất, được giả định để phục vụ mục đích y học. Và thời La Mã, tầng lớp thượng lưu thường nghiền ngọc trai thành bột và trộn với rượu vang nhằm tăng cường sức khỏe. Cleopatra đã tạo nên huyền thoại về mình bằng cách hứa với Mark Antony rằng bà sẽ “uống giá trị của một tỉnh” trong một chén rượu vang, sau đó bà trộn một viên ngọc đắt tiền với một chén rượu và uống. Sau khi đế chế Tây La Mã sụp đổ vào khoảng năm 500 sau công nguyên, châu Âu bắt đầu một thời kỳ của các cuộc xâm lược và bất ổn xã hội, lúc này chỉ có Giáo hội Công giáo La Mã là cấu trúc xã hội ổn định duy nhất. Thông qua Giáo hội, nghề trồng nho và kỹ thuật làm rượu vang cần cho Thánh Lễ sẽ được gìn giữ.